Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 40,08 tỷ USD, ngược lại nhập khẩu đạt 28,28 tỷ USD. Với kết quả này, ngành nông lâm ngư nghiệp xuất siêu 11,8 tỷ USD, tăng 68,4% so với cùng kỳ năm trước…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 8/2024 đạt 5,55 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính đạt 2,99 tỷ USD (tăng 22,6%), lâm sản 1,45 tỷ USD (tăng 4,7%), thủy sản 900 triệu USD (tăng 5%). Kim ngạch xuất khẩu ngành chăn nuôi là 46,5 triệu USD (giảm 4,8%) và đầu vào sản xuất 161 triệu USD (giảm 23%).
CÁC MẶT HÀNG XUẤT KHẨU CHỦ LỰC TĂNG CAO
Luỹ kế 8 tháng, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 21,32 tỷ USD, tăng 24%; lâm sản 10,97 tỷ USD, tăng 19,7%; thủy sản 6,23 tỷ USD, tăng 7,6%; chăn nuôi 324 triệu USD, tăng 0,3%. Chỉ riêng đầu vào sản xuất trong 8 tháng giảm 6,8%, đạt 1,23 tỷ USD.
Trong 8 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản vào các thị trường đều tăng; trong đó giá trị xuất khẩu sang châu Á là 19 tỷ USD (tăng 15,7%); châu Mỹ 9,3 tỷ USD (tăng 22,3%); Châu Âu 4,8 tỷ USD (tăng 30,5%); châu Phi 747 triệu USD (tăng 5,5%) và châu Đại Dương 563 triệu USD (tăng 12,8%).
Năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, trong 8 tháng năm 2024, Hoa Kỳ đã vượt lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, với 8,58 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 21,4%, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai, với 8,17 tỷ USD, chiếm 20,4%, tăng 10,2%; Nhật Bản là thị trường lớn thứ ba, với kim ngạch 2,68 tỷ USD, chiếm 6,7%, tăng 4,6%.
“Trong 8 tháng của năm 2024, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng nông, lâm sản tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Gạo 625 USD/tấn, tăng 14,8%; cà phê 3.805 USD/tấn, tăng 54,5%; cao su 1.567 USD/tấn, tăng 16,6%; hạt tiêu 4.810 USD/tấn, tăng 47%; chè 1.756 USD/tấn, tăng 2,2%...".
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong 8 tháng năm 2024 đều cao hơn cùng kỳ năm trước như: Gỗ và lâm sản đạt 10,24 tỷ USD (tăng 20,6%); cà phê 4,03 tỷ USD (tăng 36,1% về kim ngạch, nhưng giảm 11,9% về sản lượng, đạt hơn 1 triệu tấn); gạo 3,85 tỷ USD (tăng 21,7% với lượng 6,16 triệu tấn, tăng 5,9%); hạt điều 2,77 tỷ USD (tăng 21,7% với lượng 487.000 tấn, tăng 22,9%); tôm 2,41 tỷ USD (tăng 9,5%); cá tra 1,2 tỷ USD (tăng 8,2%).
Đáng chú ý, mặt hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2024 đạt 750 triệu USD, tăng 29% so với tháng trước và tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tháng có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất năm do rơi vào giai đoạn cao điểm thu hoạch sầu riêng tại Tây Nguyên.
Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành hàng trái cây Việt Nam, với kim ngạch 2,93 tỷ USD, chiếm tới 64% trong tổng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Tiếp đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 223,5 triệu USD và 223 triệu USD, tăng 31% và 51% so với cùng kỳ năm trước, chiếm lần lượt 4,88% và 4,87% về thị phần.
Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 4 trong danh sách các thị trường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 141 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
NGÀNH GỖ KHÔNG KỊP ĐÁP ỨNG EUDR
Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 10,24 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,5 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ lực gồm: đồ gỗ, viên nén, dăm gỗ, gỗ nguyên liệu…
Xuất khẩu đồ gỗ trong 8 tháng năm 2024 đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 68% tổng giá trị kim ngạch của nhóm gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của đồ gỗ Việt Nam, với kim ngạch đạt 4,88 tỷ USD, tăng 25,9%; tiếp đến là Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD, tăng 39%; Nhật Bản đạt 961 triệu USD, tăng 1,4%.
"Theo chia sẻ từ phía cơ quan chức năng, từ nay đến cuối năm, các công cụ kỹ thuật mới dần hoàn thành, trong khi thời hạn áp dụng vào từ ngày 30/12/2024, sẽ khiến các doanh nghiệp ngành gỗ không thể đáp ứng các yêu cầu từ đối tác nhập khẩu ở EU. Do đó, doanh nghiệp ngành gỗ mong muốn nhận được những văn bản xác nhận những nội dung thời gian hoàn thành các công cụ của EU để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc kích hoạt thương mại".
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Ðịnh.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết bắt đầu từ ngày 30/12/2024, Quy định chống mất rừng và suy thoái rừng của châu Âu (EUDR) sẽ có hiệu lực thi hành. Thế nhưng, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đang rất lo lắng, vì đến thời điểm này cơ sở dữ liệu vẫn đang trong quá trình xây dựng, khiến doanh nghiệp ngành gỗ trong trạng thái "vừa đi vừa dò đường".
Theo đó, đối với việc truy xuất nguồn gốc gỗ nguyên liệu, EU yêu cầu về vị trí địa lý gỗ nguyên liệu phải có định vị khu vực khai thác và EU sẽ thẩm định vùng khai thác gỗ nguyên liệu đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) chưa, hay đó là vùng vi phạm phá rừng, làm suy thoái rừng.
Trường hợp gỗ nguyên liệu được khai thác trong diện tích dưới 4 ha, các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp không thuộc nhóm có quy mô vừa và nhỏ có thể chọn cung cấp thông tin tọa độ của các điểm định hình (đa giác) hoặc vĩ độ và kinh độ viết dưới dạng 6 chữ số thập phân của một điểm duy nhất diễn đạt vị trí địa lý của thửa đất; còn với diện tích trên 4 ha cần phải xác định tọa độ của các điểm định hình (đa giác). Việc thẩm định sẽ diễn ra trước khi doanh nghiệp đặt hàng hoặc trước khi hàng xuất đi và doanh nghiệp phải gửi các thông tin liên quan sau thẩm định cho các cơ quan có thẩm quyền của EU…
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Ðịnh (FPA Bình Ðịnh), đánh giá quy định EUDR của EU là "rào cản" và thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ. Đến nay, khung kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện cũng mới chỉ dừng lại ở khâu chuẩn bị, nên các doanh nghiệp ngành gỗ của tỉnh rất lúng túng khi thực hiện quy định này.
Hiện nhiều đối tác ở châu Âu đã yêu cầu, nếu tiếp tục xuất khẩu mặt hàng gỗ trong năm nay thì phải cung cấp hồ sơ sản phẩm, trong đó có bản đồ chuỗi cung ứng sản phẩm; định vị địa lý dưới dạng bản đồ đa giác hoặc tọa độ định vị GPS của vị trí khai thác gỗ; nguồn gốc gỗ; bằng chứng cho thấy các địa điểm gỗ khai thác không thuộc diện bị phá rừng và suy thoái rừng sau ngày 30/12/2020.
"Đây là vấn đề nan giải đối với nhiều doanh nghiệp, vì phần lớn diện tích gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh chưa được cấp chứng chỉ FSC, nhiều diện tích đất rừng chưa đầy đủ tính pháp lý, nên không thể truy xuất được nguồn gốc gỗ nguyên liệu", ông Thiện nhấn mạnh.