Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 1 triệu ha lúa phát thải carbon thấp, đồng thời kỳ vọng ngành lúa gạo Việt Nam sẽ mang về 2.500 tỷ đồng mỗi năm từ việc bán tín chỉ carbon…
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án) được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023. Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là một cuộc cách mạng về sản xuất lúa gạo.
TIỀM NĂNG GIẢM PHÁT THẢI VÀ TÍN CHỈ CARBON
Theo thống kê, mỗi năm hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 và khí metan (CH4), chiếm trên 30% tổng lượng khí CO2 toàn quốc. Trong đó, sản xuất lúa nước chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp. Do vậy, Đề án đã đưa ra nhiều mục tiêu cho ngành sản xuất lúa gạo. Đó là giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm 20% chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay: theo ước tính, Đề án sẽ giúp giá trị của ngành lúa gạo Việt Nam tăng thêm khoảng 21.000 tỷ đồng/năm (tương đương khoảng 840 triệu USD/năm) so với trước đây. Con số này bao gồm: giảm chi phí sản xuất lúa gạo (9.500 tỷ đồng/năm); tăng giá bán sản phẩm (7.000 tỷ đồng/năm); bán tín chỉ carbon (khoảng 2.500 tỷ đồng/năm); tận dụng phế phụ phẩm (2.000 tỷ đồng/năm).
“Đặc biệt, đây là chương trình sản xuất lúa giảm phát thải quy mô lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Kế hoạch của Đề án là đến năm 2025, 13 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long trồng 180.000 ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Đến năm 2030, vùng mở rộng thêm 820.000 ha lúa phát thải carbon thấp. Mục tiêu bán tín chỉ carbon của ngành lúa gạo đạt 2.500 tỷ đồng/năm”, ông Tuấn nói.
"Giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh là một trong các mục tiêu của Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đây không chỉ là một đề án kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, mà còn là cơ hội để đánh giá lại khả năng sản xuất của vùng nông nghiệp trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long trên góc nhìn của ngành hàng lúa gạo".
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) thực hiện cho thấy: nếu thực hiện trồng lúa giảm phát thải carbon trên 1,9 triệu ha lúa, tiềm năng giúp ngành lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính là gần 11 triệu tấn CO2e (CO2 quy đổi) mỗi năm. Ngoài ra, việc tái sử dụng 70% lượng rơm rạ cho các hình thức khác sẽ giảm khoảng 50% lượng phát thải khí nhà kính so với việc đốt rơm rạ.
Nhằm thực hiện tiến trình đánh giá tín chỉ carbon trong ngành sản xuất lúa gạo, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp xây dựng kế hoạch thiết lập và hoàn thiện hệ thống Đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) giảm phát thải. Đến ngày 4/7/2024, Cục đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch thực hiện MRV trên các mô hình thí điểm thuộc Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Hệ thống MRV bao gồm ba phần chính: giảm đầu vào lượng phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD), quản lý và xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ: “Mục tiêu kép của Đề án là giúp người nông dân giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải. Thực hành đúng, bà con có thêm một nguồn thu nữa từ tín chỉ carbon. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp gạo của Việt Nam có được sự ưu tiên hơn khi xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới. Việc thực hiện thành công Đề án sẽ giúp nâng tầm lúa gạo của Việt Nam".
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, mục tiêu của 1 triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ gói gọn trong phạm trù kinh tế. Thông qua những hoạt động thực tế, kỳ vọng Đề án sẽ tái cấu trúc hệ sinh thái của cả ngành hàng, bao gồm phương thức canh tác của người dân, hệ thống thương lái, tổ chức liên kết trong hợp tác xã...
CHƯA XÁC ĐỊNH ĐƯỢC CỤ THỂ GIÁ TÍN CHỈ CARBON
Đánh giá về triển vọng bán tín chỉ carbon trong ngành lúa gạo, nhiều chuyên gia đang tỏ ra dè dặt. TS.Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng lợi ích kinh tế lớn nhất của Đề án không chỉ nằm ở việc bán tín chỉ carbon, mà nằm ở chỗ quy trình sản xuất lúa theo Đề án bắt buộc ở các nhóm hoạt động nhằm giảm chi phí sản xuất lúa, tăng chất lượng lúa.
Đối với vấn đề giảm phát thải và bán tín chỉ carbon trong ngành lúa gạo, TS.Trần Minh Hải cho rằng cần hiểu đúng cơ chế giảm phát thải trong Đề án. Theo tính toán của các nhà khoa học, trung bình sản xuất ra 1 tấn lúa sẽ gây phát thải khí nhà kính 1 tấn CO2. Trong Đề án này, chúng ta áp dụng quy trình sản xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (giảm giống, giảm phân, giảm thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng tưới ngập khô xen kẽ, lấy rơm ra khỏi đồng ruộng….) thì sẽ giảm được 25-30% lượng phát thải.
“Chúng ta dùng thiết bị giám sát và đo đạc, nếu đúng là quy trình sản xuất mới đã giảm thải được 2,5 tấn CO2/ha/vụ thì người ta sẽ xác nhận cho mình tạo được 2 tín chỉ carbon”, TS.Trần Minh Hải nói.
"Chi phí để nông dân đầu tư cho sản xuất lúa gạo giảm phát thải là rất cao so với canh tác lúa thông thường , nên nếu bán tín chỉ carbon với giá thấp, thì nông dân trồng lúa sẽ lỗ chứ không có lãi. Bởi vậy, không nên bằng mọi giá tham gia vào thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo”.
TS.Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn.
Ông Trần Minh Hải cho rằng: "Đến thời điểm này, chưa có quốc gia nào trên thế giới bán được tín chỉ carbon lúa, chưa quốc gia nào xác định được giá 1 tín chỉ carbon trồng lúa là bao nhiêu USD. Về nguyên tắc, giá 1 tín chỉ carbon được xác định trên chi phí đầu tư để tạo ra tín chỉ carbon đó. Vì vậy, không thể nào nói giá 10, 20 hay 30 USD/tín chỉ là đắt hay rẻ được".
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đang phối hợp với các chuyên gia của Quỹ Chi trả tài chính carbon (TCAFT), Ngân hàng Thế giới (WB) và các cơ quan của Việt Nam để xác định được chi phí hình thành nên 1 tín chỉ carbon trồng lúa, nhưng vẫn chưa xác định được chính xác giá 1 tín chỉ carbon là bao nhiêu.
Giá của 1 tín chỉ carbon trồng lúa cần dựa vào các chi phí sau đây: (1) chi khuyến nông cho người dân; (2) chi phí giám sát mỗi ha mỗi năm; (3) chi phí quản lý chung dự án; (4) chi phí hỗ trợ đầu tư cho hợp tác xã vào cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ canh tác, cũng như cơ sở vật chất và thiết bị để cung cấp các ưu đãi thị trường khác; (5) chi phí đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi; (6) đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông cộng đồng; (7) chi phí phát triển hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV); (8) chi phí bảo trì và hỗ trợ hệ thống MRV; (9) chi phí xác thực và xác minh.
TS.Trần Đại Nghĩa, Trưởng ban Kinh tế tài chính và Tài nguyên môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng mục tiêu của thị trường carbon trên thế giới là tạo ra kênh tài chính mới bổ sung để thực hiện cam kết giảm phát thải chứ không phải là một ngành kinh tế mới. Nếu đi theo hướng đầu tư, môi giới để bán tín chỉ carbon là sai hướng. Bởi vì, đây là sản phẩm phi vật lý, có tính thời lực, nếu đến thời điểm mà không bán được thì sản phẩm sẽ “biến mất”.
Để ngành lúa gạo có thể bán được tín chỉ carbon trong thời gian tới, TS.Trần Đại Nghĩa đưa ra 5 khuyến nghị cần thực hiện.
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho vận hành thị trường carbon nội địa và quốc tế.
Thứ hai, xây dựng hệ thống đăng ký tài khoản phát thải và giảm phát thải quốc gia và quốc tế, trong đó ưu tiên thử nghiệm cho lĩnh vực lâm nghiệp.
Thứ ba, ưu tiên các dự án tạo tín chỉ carbon.
Thứ tư, xây dựng nhiều dự án giảm phát thải, tránh phát thải và hấp thụ khí nhà kính để tiếp cận các nguồn tài chính dựa trên kết quả (RBCF), như: Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF), Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF), Quỹ Khí hậu xanh (GCF).
Thứ năm, cho phép thử nghiệm trao đổi tín chỉ carbon trên sàn giao dịch tự nguyện...